Microsoft đang làm mọi cách có thể, kể cả bắt tay với đối thủ để thâm nhập vào thế giới của Android.
Microsoft và Google là những đối thủ truyền kiếp của nhau trên thị trường, nhưng đôi khi trong thế giới công nghệ, sự đối đầu không phải lúc nào cũng là lựa chọn sáng suốt. Các đối thủ cạnh tranh có thể kiện cáo nhau trước tòa nhưng đồng thời cũng có thể ký những hợp đồng sản xuất linh kiện cho nhau. Vừa ôm hôm trước mặt vừa đâm sau lưng dường như đang trở thành một trào lưu thời thượng.
Tuy nhiên, mối quan hệ yêu/ghét giữa Microsoft và Google gần đây đang nhích dần về xu hướng thân thiết hơn. Microsoft có thể tỏ ra coi thường hệ điều hành Android nhưng không thể phủ nhận nền tảng và thiết bị của mình vẫn chưa đủ lông đủ cánh. Windows Phone mới chỉ nắm giữ 2,57% thị phần hệ điều hành di động trên thị trường, một con số quá nhỏ bé nếu đặt bên cạnh những gã khổng lồ khác.
Vậy thì Microsoft cần phải làm gì để không nằm ngoài cuộc chơi? Nếu bạn không thể đánh bại kẻ thù của mình, sao không nhập hội với họ? Microsoft đang tìm cách bắt tay với Android theo cách này hay cách khác. Dưới đây là một số cách mà Microsoft đang áp dụng để thâm nhập vào hệ điều hành Android.
Tất cả lên sàn
Microsoft có một lợi thế lớn trong kế hoạch này. Người dùng có nhu cầu sử dụng rất cao đối với các phần mềm của công ty, đặc biệt là là gói Microsoft Office. Một cách để hưởng lợi thành công từ nền tảng di động của Google là làm cho các ứng dụng chủ lực của Microsoft phổ biến trên Android, và đó là điều công ty này đang triệt để thực hiện.
Không chỉ các ứng dụng phổ biến như Microsoft Word, Excel và PowerPoint đã có mặt trên Google Play Store, mà cả các ứng dụng ít được biết đến hơn như Cortana, Sprightly, Kaizala và Microsoft Translator cũng được Microsoft tích cực mời chào.
Ứng dụng dành riêng cho Android
Microsoft không chỉ tìm cách đưa các phần mềm có sẵn vào Android, công ty này còn tạo ra những ứng dụng dành riêng cho Android để nâng cao trải nghiệm của người dùng. Một vài ví dụ là Arrow Launcher, Hub Keybord và Microsoft Dialer.
Chiến lược này hé lộ nhiều điều về Microsoft. Công ty này không chỉ đang dò đá qua sông mà thực sự muốn gắn bó cùng Android về lâu dài. Vì thế họ đã đầu tư phát triển những ứng dụng mà thậm chí còn chẳng xuất hiện trên hệ điều hành của mình. Và tất nhiên, đây không phải là những ứng dụng nghiệp dư, mà có tính năng độc đáo và vượt trội khi so với các ứng dụng của bên thứ ba khác.
Bắt tay với Google
Ngay cả khi Google luôn sẵn sàng hợp tác với những người họ không thích, giữ mối quan hệ thân thiện với gã khổng lồ này là một điều sáng suốt. Đặc biệt là nếu Microsoft thật sự muốn trở thành một phần không thể thiếu của Android.
Hai gã khổng lồ công nghệ này đã bắt đầu tăng cường quan hệ từ tháng 10 năm ngoái, sau khi đối đầu với nhau suốt từ năm 2010. Hai bên đã đồng ý từ bỏ 20 vụ kiện ở Mỹ và Đức, một bước tiến dài trong việc hâm nóng mối quan hệ giữa hai bên. Chưa có ước tính cụ thể về lợi ích tài chính, nhưng tương lai đang trở nên tươi sáng hơn cho cả hai như thông cáo chung dưới đây đã chỉ ra:
“Microsoft và Google hân hạnh thông báo hai bên đã đạt được thỏa thuận về vấn đề bằng sáng chế. Theo thỏa thuận, hai bên sẽ từ bỏ các vụ kiện vi phạm bằng sáng chế với nhau, bao gồm các vụ kiện liên quan đến Motorola Mobility. Ngoài ra, Google và Microsoft đã đồng ý hợp tác về một số danh mục bằng sáng chế và dự kiến hợp tác về các lĩnh vực khác trong tương lai vì lợi ích của khách hàng”.
Tìm kiếm các đồng minh mới
Mặc dù Microsoft đã từng một mình một ngựa thống trị thị trường PC trong quá khứ, ngày nay điều đó sẽ không còn đúng nữa. Các phương thức kinh doanh mới đòi hỏi các mối quan hệ hợp tác mới, đặc biệt trong lĩnh vực phần mềm. Hiểu được điều đó, Microsoft đã tìm cách mở rộng các đối tác của mình.
Chỉ trong tháng trước, công ty này tuyên bố đã thiết lập quan hệ đối tác với 74 công ty ở 25 quốc gia khác nhau. Các thỏa thuận chiến lược này sẽ giúp tạo ra một loạt dòng máy tính bảng thuộc nhiều nhà sản xuất mà cài sẵn các ứng dụng của Microsoft. Lần tới bạn mua một smartphone hoặc máy tính bảng của Android, đừng ngạc nhiên nếu thấy Office, OneDrive hoặc Skype của Microsoft được cài sẵn trên đó.
Đáng chú ý là Microsoft đã đạt được những thỏa thuận quan trọng với các công ty lớn như Samsung, LG và Acer.
Liệu chiến lược của Microsoft có thành công?
Microsoft có đủ nhân lực và kinh nghiệm để triển khai các chiến lược trên, nhưng quan trọng là công ty này đang sở hữu danh mục bằng sáng chế lớn. Hiện chưa rõ các chi tiết về các thỏa thuận mà Microsoft đã ký kết, nhưng các chuyên gia cho rằng các đối tác của Microsoft không chỉ nhận được lợi ích về tài chính mà còn có thể được cấp phép sử dụng bằng sáng chế của hãng. Cho đến nay, Microsoft đã làm tất cả những gì tốt nhất có thể, và triển vọng thành công với những chiến lược kinh doanh phần mềm trên là rất khả quan.